Viêm đường hô hấp trên


Từ đâu được gọi “là trên”?

Hệ hô hấp của chúng ta được tính bắt đầu từ cửa mũi trước đến tận các phế nang trong phổi. Đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang và cả thanh quản. Hệ thống hô hấp trên có chức năng chủ yếu là lấy không khí bên ngoài cơ thể, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Các bộ phận của đường hô hấp dưới một phần chức năng thực hiện lọc không khí và phần chức năng còn lại là trao đổi khí.
Là cơ quan đầu ngoài cùng tiếp xúc với không khí nên hầu như mọi điều kiện bất lợi của môi trường đều do đường hô hấp trên gánh chịu hết như bụi, lạnh, nóng, hơi độc, kể cả các virus, vi khuẩn, nấm mốc. Bởi thế, nếu xét về tỷ lệ mắc bệnh hô hấp thì tỷ lệ bệnh mắc đường hô hấp trên chiếm phần lớn so với tỷ lệ mắc các bệnh về hô hấp khác. Viêm đường hô hấp trên là một chứng bệnh thường gặp hàng năm, mắc tái diễn, nhiều lần và là một chứng bệnh chủ yếu gây giảm giờ làm và giờ học của nhóm người mắc bệnh trên toàn thế giới. Mặc dù là loại bệnh “tự khỏi” nhưng những phiền toái do chúng gây ra cũng đủ tạo ra những thiệt hại đáng kể về sức khoẻ và kinh tế.
Bệnh viêm đường hô hấp trên thường xuất hiện theo mùa, nhất là mùa đông, mùa hanh khô, trùng với mùa của bệnh hen, viêm phế quản mạn, viêm phổi. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu thường là trẻ em. Tính trên toàn thế giới, hàng năm có hàng triệu trẻ em mắc bệnh. Bên cạnh đối tượng là trẻ em, những người dễ mẫn cảm với viêm đường hô hấp trên bao gồm người bị bệnh bạch cầu (leukemia), suy tủy, suy giảm miễn dịch sau ghép tạng, điều trị ức chế miễn dịch ở những bệnh tự miễn, HIV… Vì thế, ở những đối tượng này cần được chăm sóc dự phòng, đặc biệt vào mùa lạnh, mùa hanh khô.
Thủ phạm nào gây viêm đường hô hấp trên?
Bằng những nghiên cứu và thử nghiệm khoa học, người ta thấy đa phần nguyên nhân gây ra viêm đường  hô hấp trên là các virus. Ngoài ra chúng ta có thể gặp các nguyên nhân khác như vi khuẩn, nấm, bụi, khí độc. Có thể kể ra đây một số loại vi rút điển hình như: virus Rhino, Corona, Á cúm Parainfluenza, Adeno, virus hô hấp hợp bào RSV. Một số loại vi khuẩn cũng thường gặp trong bệnh viêm đường hô hấp trên là liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, một số loại nấm...
Nhóm virus trên gây bệnh bằng cách cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng. Chúng sẽ nằm ở đó, xâm nhập vào tế bào niêm mạc, nhân bản rồi phá huỷ tế bào và lây lan sang tế bào bên cạnh. Cơ thể sẽ kháng cự lại với các kháng thể IgA sẵn có và đội quân bạch cầu bảo vệ. Thông thường sẽ có một vài tế bào niêm mạc hô hấp bị tổn thương và bị virus phá huỷ nhưng sau khoảng 2 tuần lớp tế bào mới lại mọc lên và đẩy lùi virus. Nhưng trong một số trường hợp, cơ thể tiêu diệt không hiệu quả, virus từ đường hô hấp trên sẽ nhân bản và xâm nhập xuống tận đường hô hấp dưới và vào máu gây nhiều bệnh biến thể khác.
Trong trường hợp căn nguyên do vi khuẩn thì ít khi vi khuẩn gây bệnh một mình mà chúng thường được khởi phát bằng sự nhiễm và gây viêm của một loại virus trước đó. Tỷ lệ cao thuộc về liên cầu khuẩn tan máu nhóm A. Đây là vi khuẩn hàng đầu gây biến chứng viêm cầu thận cấp ở trẻ em từ một viêm họng thông thường.
Biểu hiện và biến chứng
Viêm đường hô hấp trên không phải là một bệnh mà là một tổ hợp bệnh bao gồm: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản. Mặc dù có nhiều bệnh đơn lẻ khác nhau nhưng chúng đều có một số biểu hiện chung rất dễ nhận thấy. Những triệu chứng chủ yếu bao gồm: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp…
Đặc điểm quan trọng của viêm đường hô hấp trên là thời gian ủ bệnh ngắn, tốc độ biểu hiện bệnh nhanh và các biểu hiện mang tính ồ ạt. Chính vì thế mà sốt trong các bệnh của viêm đường hô hấp trên thường là sốt cao và thành cơn. Thân nhiệt thường là 39oC trở lên. Đi kèm với sốt là hắt hơi, sổ mũi, người bệnh hắt hơi nhiều hơn mức bình thường, có khi đến 4-5 cái/một lần và xuất hiện nhiều lần trong ngày. Có khi hắt hơi đến rát cả mũi họng. Sau đó người bệnh sẽ bị chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi.
Cần điều trị kịp thời và triệt để bệnh viêm đường hô hấp trên để tránh biến chứng.
Khi virus gây bệnh ở thanh quản thì người bệnh sẽ bị khàn tiếng. Càng nói nhiều như ca sỹ, người bán hàng, giáo viên, nhân viên tiếp thị… thì tốc độ khàn tiếng càng nhanh và càng nặng vì dây thanh âm càng bị tổn thường nặng nề. Ban đầu chỉ là lạc tiếng, giọng mũi, sau đó tiếng bị khàn đục và có khi đến mất giọng.
Tuỳ thuộc vào cơ quan bị bệnh mà mỗi một mặt bệnh cụ thể đơn lẻ sẽ có những dấu hiệu điển hình và đặc thù khác nhau. Mặc dầu vậy, vì lý do giữa các bộ phận mũi-họng-thanh quản-xoang đều thông với nhau bằng đường khí và dịch nên khi một cơ quan bị bệnh thì nó sẽ nhanh chóng lây sang cơ quan liền kề và các triệu chứng sẽ nhanh chóng tổ hợp lại thành một hình ảnh bệnh lý đầy đủ.
Viêm đường hô hấp trên đa phần là những bệnh tự khỏi, chỉ sau 5-6 ngày là bệnh đã bắt đầu lui dần tiến tới khỏi sau 2 tuần. Mặc dù các bệnh này có mức độ lâm sàng trung bình nhưng lại là những căn bệnh phổ biến nhất khiến chúng ta phải ngừng lao động và trẻ em thì không thể đến trường và có thể nặng lên ở những đối tượng mẫn cảm như trẻ em dưới 1 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và gây nhiều biến thể nghiêm trọng.
 Một trong các biến thể nghiêm trọng ấy là tử vong do đồng nhiễm với bệnh đường hô hấp dưới và chúng tự làm nặng lẫn nhau. Biến thể cũng hay gặp đó là biến chứng viêm đường hô hấp dưới nếu viêm đường hô hấp trên không được xử trí đúng đắn và đúng mức. Do đó, với một bệnh hết sức thông thường như cảm lạnh trong mùa đông thì có thể đưa đến viêm phổi, nhất là ở trẻ em. Ngoài những biến chứng này thì viêm đường hô hấp trên thể nặng, thể do vi khuẩn dễ gây ra những biến chứng cơ thể khác như viêm não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp. Vì vậy cần có thái độ dự phòng đúng mức với bệnh này.
Phòng tránh như nào?
Cho đến nay, bệnh viêm đường hô hấp trên đã có nhiều phương án điều trị. Nhưng vì chủ yếu là do virus gây ra nên tất cả những phương án đó đều là những phương án điều trị triệu chứng mà chưa có điều trị căn nguyên. Các thuốc chủ yếu được sử dụng là thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm dòng NSAID nhằm ngăn chặn sốt quá cao và tai biến co giật do sốt cao. Thuốc kháng histamin nhằm ngăn chặn giải phóng quá nhiều chất trung gian hóa học gây viêm do cơ chế phản ứng đôi khi là quá mức. Còn lại là dựa vào sức đề kháng của người bệnh và chờ cho đến khi cơ thể tự đào thải vi rút.
Trong chứng bệnh này, biện pháp dự phòng được đặt lên hàng đầu để ứng phó. Vì đây là một bệnh lây nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh là điều cần thiết. Giữ một đôi bàn tay sạch sẽ khi ăn uống sẽ loại trừ lượng virus khỏi bàn tay và do đó chúng không có cơ hội xâm nhập vào đường hô hấp (vì virus xâm nhập vào đường hô hấp theo đường thở và đường ăn uống). Đeo khẩu trang cách ly với mầm bệnh sẽ làm giảm nhiều yếu tố có hại cho đường hô hấp trên như bụi, hơi nóng, hơi lạnh, khí độc. Khi tiếp xúc với người bệnh nên đeo khẩu trang dự phòng vì virus có thể theo hơi thở, nói chuyện, hắt hơi mà “bắn” sang người đối diện và xâm nhập. Tránh nằm điều hoà quá lạnh, tránh làm việc trong môi trường nhiệt độ quá cao. Giữ ấm cơ thể khi đi đường, giữ ấm cổ khi ngủ là những biện pháp tuy đơn giản nhưng lại giúp ta phòng tránh khá tốt với những căn bệnh thuộc loại này.
Cho đến nay, bệnh viêm đường hô hấp trên đã có nhiều phương án điều trị. Nhưng vì chủ yếu là do vi rút gây ra nên tất cả những phương án đó đều là những phương án điều trị triệu chứng mà chưa có điều trị căn nguyên.
BS. Yên Lâm Phúc
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 nhận xét:

Post a Comment

Item Reviewed: Rating: 5 Reviewed By: Tyt Trung An