BHXH Việt Nam giải đáp về quyền lợi tham gia BHYT 5 năm liên tục
Để được chi trả 100% viện phí, người tham gia BHYT 5 năm liên tục cần điều kiện gì? Có phải ai tham gia đủ 5 năm liên tục thì trên thẻ BHYT cũng có dòng chữ thể hiện điều này và nếu không thì sao?... Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã giải đáp các thắc mắc xung quanh vấn đề này.
Điều kiện để được chi trả 100% viện phí
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ ngày 1/1/2015, người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT.
Theo quy định tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi KCB và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến.
Vì vậy, người tham gia BHYT phải đáp ứng đủ 2 điều kiện sau đây thì được cơ quan BHXH cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” để đi KCB cho các lần KCB tiếp theo trong năm:
Thứ nhất: Có thời gian tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục trở lên tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi KCB;
Thứ hai: Có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến.
Khi đó những người đang cùng chi trả 5% hoặc 20% chi phí KCB BHYT sẽ không phải thanh toán phần cùng chi trả này nữa.
Các đối tượng tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục trở lên thì trên thẻ BHYT sẽ có dòng chữ “Thời điểm đủ 05 năm liên tục:…”. |
Về dòng chữ “Thời điểm đủ 5 năm …” trên thẻ BHYT
Về mặt nguyên tắc, các đối tượng tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục trở lên thì trên thẻ BHYT sẽ có dòng chữ “Thời điểm đủ 05 năm liên tục: từ ngày…”. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp đã tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục trở lên nhưng do quá trình tham gia BHYT của đối tượng ở nhiều tỉnh, nhiều đơn vị, nhiều nhóm đối tượng khác nhau... nhưng hệ thống dữ liệu đóng BHYT chưa được quản lý tập trung toàn quốc và chưa có mã định danh cá nhân nên việc xác định thời gian đóng BHYT của người tham gia BHYT còn gặp khó khăn.
Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ đồng loạt cấp mã số định danh cá nhân cho người tham gia BHXH, BHYT và đẩy mạnh kết nối công nghệ thông tin với các đơn vị cơ sở để liên thông dữ liệu thì sẽ khắc phục được tình trạng này.
Cần làm thủ tục gì để được hưởng quyền lợi?
Với những người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên nhưng trên thẻ BHYT chưa có dòng chữ “Thời điểm đủ 05 năm liên tục: từ ngày…" thì đến cơ quan BHXH để làm thủ tục đổi thẻ BHYT.
Thủ tục bao gồm:
- Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT theo mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.
- Thẻ BHYT đang còn thời hạn sử dụng.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm rà soát, xác định thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và in thẻ BHYT mới (nếu có).
Thay đổi cách tuyên truyền để phù hợp với từng nhóm đối tượng
Chính sách BHYT là một chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, để triển khai thực hiện chính sách BHYT cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội… trong đó, BHXH Việt Nam có vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách này.
Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực triển khai công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHYT đến người dân bằng nhiều hình thức như: tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT; các cuộc đối thoại về BHYT; phát hành sổ tay, cẩm nang về BHXH, BHYT; in băng rôn, áp phích, phát tờ rơi, tờ gấp….; chuyên trang, chuyên mục được phát sóng trên hệ thống truyền hình, truyền thanh ở Trung ương và địa phương; trên các báo, tạp chí tại trung ương, địa phương và báo, tạp chí của ngành.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã ký kết nhiều quy chế phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức và các cơ quan thông tấn, báo chí và truyền hình... Đồng thời, tại địa phương BHXH các tỉnh cũng ký quy chế phối hợp với các Sở, ban, ngành và cơ quan truyền thông tại địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền BHYT.
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam đang cố gắng thay đổi phương thức tuyên truyền để phù hợp với từng nhóm đối tượng, đảm bảo mọi người dân đều hiểu được chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Chinhphu.vn
0 nhận xét:
Post a Comment